Download this Blogger Template by Clicking Here!

Ad 468 X 60

Hiển thị các bài đăng có nhãn thánh gióng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

Sách Tiếng Việt lớp 5: 'Thánh Gióng đánh giặc xong, ăn cơm rồi tắm hồ Tây'

Cuốn Tiếng Việt lớp 5, tập 2 của NXB Giáo dục có đoạn viết, Thánh Gióng sau khi đánh tan quân giặc “ăn một bữa cơm no rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”.
Gần đây, nhiều giáo viên và phụ huynh ở huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) thắc mắc chi tiết “dị bản” viết về nhân vật dân gian Thánh Gióng trong sáchTiếng Việt lớp 5, tập 2 và cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A. Cả hai cuốn đều do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành.
Hai cuốn sách đều do NXB Giáo dục ấn hành. Ảnh: Lê Hoàng.
Cụ thể, sách Tiếng Việt lớp 5 (tập 2, trang 86) trong phần luyện tập thay thế từ ngữ để liên kết câu có đoạn viết: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn thô sơ và giản dị như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe mà đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa đi tìm một rừng cây âm u nào, giấu kín nỗi đau của mình mà chết”. Phía dưới đoạn trích ghi tên tác giả là Nguyễn Đình Thi.
Trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A, tại bài 26C (trang 140) phần thảo luận và trả lời câu hỏi cũng có đoạn trích tương tự. Trang sách còn có hình ảnh minh họa vẽ một thiếu niên đang cưỡi ngựa, hai tay cầm chắc một khóm tre phi về phía trước.
Đoạn trích trong cuốn Tiếng Việt lớp 5 tập hai. Ảnh: Lê Hoàng.
Nhiều phụ huynh cho rằng, chi tiết trong phần kết đoạn văn viết về nhân vật truyền thuyết dân gian Thánh Gióng đã bị xuyên tạc, suy diễn. Theo truyền thuyết, Thánh Gióng sinh ra ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào thời Hùng Vương thứ 6. Ông là người trời đã đầu thai xuống trần thế để giúp nhân dân đánh giặc Ân sang xâm lược. Sau khi đánh tan quân giặc, ông đuổi giặc đến chân núi Sóc (Sóc Sơn), rồi lên đỉnh núi cưỡi ngựa bay về trời. Vua nhớ công ơn ông, phong là Phù Ðổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay tại quê nhà.
“Tôi chưa từng nghe thấy có tài liệu nào nói đến Thánh Gióng đánh giặc xong còn ăn bữa cơm no rồi nhảy xuống hồ Tây tắm, sau đó ôm vết thương vào rừng giấu kín nỗi đau mà chết cả”, chị Lê Thị Huệ, một phụ huynh thắc mắc.
Cho rằng đoạn văn trên có phần “khó tin”, bà Tạ Thị Ánh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Lộc (Hậu Lộc), cho biết giáo viên ở trường cũng rất bất ngờ. Theo bà, cuốn sách này là tài liệu học tập theo mô hình mới Việt Nam (VNEN). Chương trình được thí điểm ba năm nay trên các tỉnh thành cả nước. Đã có khoảng 2.000 trường tiểu học áp dụng mô hình này.
Một đoạn trích tương tự trong cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt  lớp 5, tập 2A. Ảnh:Lê Hoàng.
Trao đổi với VnExpress, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách cho biết, đoạn văn trên được trích dẫn từ tác phẩm "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích", của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Cuốn Hướng dẫn học Tiếng Việt lớp 5, tập 2A là một tài liệu thử nghiệm của mô hình trường học mới Việt Nam (Việt Nam Escuela Nueva, viết tắt là VNEN).
Theo GS Thuyết, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết một số bài nghiên cứu về văn học dân gian như "Nguyễn Du và Truyện Kiều", "Thời gian của Thánh Gióng". Khi 20 tuổi, ông viết bài "Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích". Tại đoạn trích dẫn sử dụng trong sách giáo khoa, nhà thơ đã dùng nhiều từ để chỉ Thánh Gióng như: trang nam nhi, tráng sĩ ấy, người trai làng Phù Đồng nhằm tránh lặp từ.
"Tôi đã có bài phân tích rất kỹ về ngữ liệu được dùng trong cuốn sách này. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang tổng hợp thông tin để làm rõ", GS Thuyết cho hay.
Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) là một dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Theo mô hình của trường học mới, quản lý lớp học là Hội đồng tự quản học sinh, các ban trong lớp, do học sinh xung phong và được các bạn tín nhiệm. Giáo viên và phụ huynh sẽ là người tư vấn, khích lệ, giám sát. 
"Hội đồng tự quản học sinh" là một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.
Lê Hoàng - Lan Hạ

Read More »

Kể truyện cổ tích: Thánh Gióng

Kể truyện cổ tích: Thánh Gióng


Vào thời Hùng Vương, có một người đàn bà tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn sống thui thủi một thân một mình. Một ngày kia, trong lúc đang làm rẫy bà vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy một vết chân khổng lồ in trên mặt đất. Bà tìm khắp xung quanh không thấy ai đành lắc đầu than thở:
- Không biết chân ai mà to dữ như vậy, dẫm nát hết đám mạ non của tôi rồi
Vừa nói, bà vừa đặt bàn chân của mình vào ướm thử dấu chân lạ, bỗng bà cảm thấy rùng mình tựa như một luồng gió chạy qua. Cũng từ hôm đó bà mang thai, và sau 9 tháng 10 ngày bà sinh hạ được một đứa bé bụ bẫm đặt tên là Gióng. Nhưng có điều rất lạ là thằng bé vẫn cứ nằm ngửa đòi ăn không biết ngồi biết lẫy cũng chẳng biết nói biết cười mặc dù đã lên ba tuổi.
Cũng vào năm đó, giặc Ân tràn qua biên giới xâm lăng nước ta, tướng giặc là An Vương rất hung hăng tàn bạo. Hễ chúng đi đến đâu là tàn sát dân lành, cướp bóc của cải đến đó. Vua Hùng đã nhiều phen điều binh chống giặc, nhưng vì sức giặc quá mạnh nên quân của Hùng Vương không thể nào ngăn chặn bước tiến của chúng. Lo lắng cho sự an nguy của nước nhà, Vua Hùng liền phái sứ giả đi khắp nơi trong nước tìm bậc tướng tài ra tay chống giặc.
Một hôm, sứ giả đến làng chú bé gióng cất tiếng rao:
- Loa loa loa, vận nước lâm nguy, ai là người có tài đánh giặc hãy mau khoác chiến bào xông pha ra trận. Loa loa loa
Bà mẹ đang ru Gióng ngủ nghe tiếng rao bèn nói nựng cậu bé đang lim dim trên võng:
- Con nghe không, nhà vua đang tìm nhân tài phò vua cứu nước, vậy mà con trai của mẹ vẫn chưa biết nói biết đi thì biết trừng nào mới lập lên công trạng kia chứ
Tự nhiên Gióng mở mắt ra nhìn mẹ và bật lên thành tiếng:
- Mẹ hãy gọi sứ giả vào đây cho con
Vô cùng sửng sốt, bà mẹ luống cuống bế cậu bé dậy:
- Hả, con nói cái gì, con của tôi cuối cùng cũng nói được rồi, con hãy nói lại cho mẹ nghe lần nữa đi con
Gióng nói lại rõ từng câu từng tiếng:
- Mẹ hãy gọi sứ giả vào đây cho con
Người mẹ bế con đi khoe khắp xóm làng và bảo con tôi đã biết nói rồi các cô các bác ơi, nó lại còn đòi gặp sứ giả nữa chứ. Một vị bô lão ở trong làng thấy vậy cho là sự lạ bèn nói:
- Một đứa bé mới có ba tuổi mà đã biết nói một câu như vậy thì không phải chuyện thường đâu, chúng ta cứ mời sứ giả vào đây coi xem nó muốn gì
Vừa nhìn thấy sứ giả bước vào, Gióng đã cất giọng lanh lảnh nói:

- Ta sẽ đi đánh giặc cứu nước, ngươi hãy về tâu với vua rèn cho ta một con ngựa sắt, một thanh gươm sắt, một áo giáp sắt, và một chiếc mũ sắt. Ta sẽ đánh đuổi giặc Ân ra khỏi bờ cõi.
Nghe vậy vị bô lão vui mừng khôn xiết sụp xuống lậy tạ trời đất:
- Thần nhân đã xuất hiện cứu nguy cho dân tộc chúng ta rồi
Sứ giả lập tức phi ngựa về tâu vua. Nghe nói, Hùng Vương mừng rỡ liền ra lệnh cho thợ rèn góp tất cả sắt lại rèn ngựa, gươm, áo giáp và nón như lời xin của chú bé. Mọi thứ rèn xong nặng không thể tưởng tượng nổi. Hàng chục người mó vào thanh gươm mà không nhúc nhích. Vua Hùng phải cho hàng ngàn quân sĩ tìm mọi cách chở đến cho chú bé Gióng.
Khi được tin quân sĩ khiêng ngựa sắt sắp đến làng, mẹ Gióng sợ hãi chạy về bảo con:
- Con ơi! Việc nhà vua đâu phải là chuyện chơi. Hiện quân sĩ đang kéo đến ầm ầm ngoài bãi, biết làm thế nào bây giờ?
Nghe nói thế, Gióng vụt ngồi dậy, nói:
- Việc đánh giặc thì mẹ đừng lo. Nhưng mẹ phải cho con ăn thật nhiều mới được!
Mẹ vội thổi cơm cho con ăn, nhưng nấu lên được nồi nào Gióng ngốn hết ngay nồi ấy. Mỗi lần ăn một nồi cơm thì Gióng lại lớn thêm một ít và đòi ăn thêm. Mẹ càng cho con ăn thì con lại càng lớn như thổi, bỗng chốc đã thành một chàng thanh niên khỏe mạnh. Hết gạo, bà mẹ đi kêu gọi xóm làng. Mọi người nô nức đem gạo khoai, trâu rượu, hoa quả, bánh trái đến đầy một sân. Nhưng đưa đến bao nhiêu, Gióng ăn vợi hết bấy nhiêu, mà vẫn đòi ăn không nghỉ.
Sau đó, Gióng lại bảo tiếp:
- Mẹ kiếm vải cho con mặc.
Người ta lại đua nhau mang vải lụa tới may áo quần cho Gióng mặc. Nhưng thân thể Gióng lớn vượt một cách kỳ lạ, áo quần vừa may xong đã thấy chật, thấy ngắn, lại phải mang vải lụa tới để chắp nối thêm. Không mấy chốc đầu Gióng đã chạm nóc nhà. Ai nấy chưa hết kinh ngạc thì vừa lúc quân sĩ đã hì hục khiêng được ngựa, gươm, áo giáp và nón sắt tới. Gióng bước ra khỏi nhà vươn vai một cái, người bỗng cao to sừng sững, chân dài hơn trượng, hét lên một tiếng như tiếng sấm:
- Ta là tướng nhà Trời!
Thế rồi Gióng mặc giáp sắt, đội nón sắt, tay cầm gươm múa quanh mấy vòng. Đoạn từ biệt mẹ và dân làng, nhảy lên lưng ngựa. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đàng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào, rung chuyển cả trời đất. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc bấy giờ đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Ngựa thét ra lửa thiêu cháy từng dãy đồn trại, lửa thiêu luôn cả mấy khu rừng. Khói bụi mịt mù, tiếng la hét kêu khóc như ri.
Nhưng tướng giặc Ân vương vẫn cố gào thét hô quân xáp tới, Gióng càng đánh càng khỏe, thây giặc nằm ngổn ngang đầy rừng. Bỗng chốc gươm gãy. Không bối rối, Gióng thuận tay nhổ những bụi tre hai bên đường quật tới tấp vào các toán giặc đang cố gắng trụ lại theo lệnh chủ tướng. Chẳng mấy chốc quân giặc đã tẩu tán khắp nơi, Ân vương bị quật chết tan xác. Bọn tàn binh giặc lạy lục xin hàng. Quân đội của Hùng Vương cũng như dân các làng chỉ còn việc xông ra trói nghiến chúng lại. Không đầy một buổi, Gióng đã trừ xong nạn nước. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc-sơn. Đến đây, Gióng bèn cởi giáp bỏ nón lại, rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.
Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong làm Phù Đổng thiên vương.
Ngày nay chúng ta còn thấy dấu vết những dãy ao tròn nối nhau kéo dài suốt từ Kim-anh, Đa-phúc cho đến Sóc-sơn, người ta bảo đó là những vết chân ngựa của Thánh Gióng. Khu rừng bị ngựa sắt phun lửa thiêu cháy nay còn mang cái tên là làng Cháy. Những cây tre mà Gióng nhổ quật vào giặc bị lửa đốt màu xanh ngả thành màu vàng và có những vết cháy lốm đốm, ngày nay giống ấy vẫn còn, người ta gọi là tre là ngà (hay đằng ngà).

Read More »